icon icon icon
Số 4, Ngõ 180 Thái Thịnh, Quận Đống Đa, Hà Nội Tìm kiếm

MỘT GIAI ĐOẠN MỚI TRONG QUAN HỆ HỢP TÁC XUẤT KHẤU LAO ĐỘNG VÀ ĐÀO TẠO GIỮA VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

Người đăng: THK Education - 15/06/2023

DẤU MỐC QUAN TRỌNG, CÓ THỂ DẪN ĐẾN BƯỚC NGOẶT TRONG CUỘC ĐỜI CỦA NHIỀU THỰC TẬP SINH, DU HỌC SINH

Chuyến đi sang thăm và làm việc của  lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH  tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mở ra một năm kỷ lục với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Sau 2 năm hoạt động đưa lao động Việt ra nước ngoài làm việc bị đóng băng vì dịch bệnh, chuyến đi của Bộ trưởng "mở bung cánh cửa", "gỡ" rào cản thuế, cải thiện hơn chế độ an sinh cho người lao động tại địa bàn này nói riêng cũng như các thị trường lao động trọng điểm nói chung.

Cụ thể, từ ngày 4/9 đến 8/9/2022, tư lệnh ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến đi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao đổi các đề xuất, giải pháp tiếp nhận thêm lao động Việt Nam, chăm lo đời sống người Việt ở nước sở tại tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp Yasuhiro Hanashi và Bộ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội Kato Katsunobu.

Với cam kết của phía Nhật sau chuyến công du của Bộ trưởng, chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA) được đẩy lên một bước mới trong tiến trình hợp tác lao động, sẽ tạo cơ hội cho hàng trăm điều dưỡng, hộ lý người Việt Nam nâng cao trình độ tay nghề, thu nhập khi làm việc tại nước sở tại. Cuối năm, 240 chỉ tiêu điều dưỡng, hộ lý Việt Nam tiếp tục được tuyển chọn đi Nhật trong khóa 11, cao vượt trội so với 10 khóa tuyển dụng trước đó.

Đặc biệt, kết quả ghi nhận rất tích cực là  NHẬT BẢN MỞ THÊM 09 NGÀNH NGHỀ ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG KỸ NĂNG ĐẶC ĐỊNH LOẠI 2

Cơ hội làm việc lâu dài, chế độ cao

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, trong số 9 lĩnh vực được mở rộng thêm với lao động kỹ năng đặc định loại 2, sẽ có thêm nhiều ngành nghề khác như nông nghiệp, chế tạo máy móc, công nghiệp tàu biển, vệ sinh tòa nhà, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn… Quyết định nhằm giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực trong bối cảnh dân số già hóa tại nước bạn.

Trước đó, nhóm đối tượng lao động này chỉ có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản trong 2 ngành là xây dựng và đóng tàu.

Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cũng thông tin, vừa qua, phía Nhật Bản đã họp và thống nhất chủ trương sẽ mở rộng ngành nghề theo chương trình kỹ năng đặc định số 2.

Tuy nhiên, từ chủ trương đến khi triển khai áp dụng, ông Hương phân tích, cần quá trình thể chế hóa, đưa vào luật. Do đó, người lao động cần phải chờ kết quả đề xuất được trình Chính phủ Nhật vào mùa thu (tháng 9, tháng 10) năm nay vì việc này còn liên quan đến quy định tiếp nhận.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá, chương trình mới khi chính thức áp dụng sẽ giúp lao động Việt Nam có cơ hội tiếp tục làm việc lâu dài tại Nhật. Người lao động đi theo chương trình kỹ năng đặc định số 2 tương đương với trình độ cao hơn, mức thu nhập, các chế độ phúc lợi xã hội sẽ cao hơn.

"Với thay đổi mới này, người lao động sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề hơn. Khi đã trở thành lao động kỹ năng đặc định, lao động nước ngoài sẽ được hưởng mức lương, chế độ đãi ngộ tương đương người Nhật.

Bên cạnh đó, quyền lợi quan trọng với các nhân sự diện này là có thể chuyển công ty trong quá trình làm việc. Đặc biệt, người lao động sẽ được phép bảo lãnh cho người thân, gia đình sang Nhật Bản sống cùng và còn có quyền xin thị thực vĩnh trú", ông Hương phân tích.

Hiện nay, thực tập sinh Việt Nam bị khấu trừ các khoản thuế, bảo hiểm như người lao động Nhật Bản nhưng chỉ nhận được tháng lương cơ bản mà không nhận được các khoản tiền thưởng, phụ cấp.

Về vấn đề này, ông Hương cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện rà soát để thay đổi chương trình thực tập sinh kỹ năng, trong đó nhấn mạnh việc có thể cải thiện môi trường làm việc cũng như thu nhập đối với thực tập sinh.

"Sắp tới Nhật Bản sẽ triển khai việc sửa đổi đó. Phía bạn rất quan tâm vấn đề này để thu hút lao động nước ngoài", ông Hương cho biết.

Lãnh đạo Cục cũng nói thêm, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với phía Nhật Bản sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định BHXH giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Theo Dân trí - Tohoku tổng hợp